Đầu tiên phải xác nhận là mình không tìm được thông tin ai là người đầu tiên sáng tạo hình ảnh người lái đò cho nghề giáo. Và do đó mình cũng không biết ý nghĩa gốc của hình tượng này là như thế nào! Nhưng có cảm giác là khá nhiều bài viết, cả báo nói báo hình, cả chính thống và không chính thống, hiểu hình tượng này theo kiểu rất câu chữ bề mặt, có lẽ một phần do nghĩa vụ đến 20/11 là phải lên bài cho kịp tiến độ :)
.
Người lái đò có một cách hiểu rất hay, mình quên mất là đã được nghe ở đâu, lâu lắm rồi không nhớ nổi! Ngôi làng ngày xưa của người Việt phần lớn khá là cách biệt với thế giới xung quanh. Biên giới tự nhiên thường là con sông nhỏ, giữa làng này và làng khác, giữa người trong làng và thế giới bên ngoài. Trừ khi có việc gì trọng đại, thời đó rất khó khăn để đi ra khỏi ranh giới làng xã, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Bởi vậy con đò sang sông và người lái đò là một hình tượng rất có ý nghĩa đối với sự trưởng thành của 1 con người. Nó giúp người ta bước ra thế giới bên ngoài, mở mang tầm mắt, chuẩn bị cho những công việc hệ trọng lớn lao...
.
Vai trò của nhà giáo cũng nên là như vậy, kể cả ngày xưa cũng như bây giờ!
.
Trên cả một số trang web edu, hình tượng người lái đò chèo chống người học qua bão táp phong ba [1] [2], theo ý kiến cá nhân của mình là không phù hợp! Thậm chí có cả bài báo chính thống, muốn thay thế hình tượng người lái đò lỗi thời, chậm chạp bằng người đội trưởng của đội đua thuyền rồng [3], thật không thể tưởng tượng nổi!
.
Hình tượng người lái đò của 1 ngôi làng xưa, tới bây giờ vẫn còn rất ý nghĩa! Triết lý giáo dục của thế giới, đặc biệt là giáo dục Đại học, đang thiên về trang bị kiến thức cơ bản cho người học, rèn luyện được cho họ kỹ năng tự học và cảm hứng học tập suốt đời! Một khi bước vào thế giới rộng lớn, thay đổi quá nhanh của thời đại này, đó là những nền tảng cực kỳ quan trọng!
- Hoàng Quân -
20/11/2023
----------------------------------
[1] Trường Đại học Lâm nghiệp Phân hiệu tại tỉnh Đồng Nai (2021), Lời tri ân thầy cô ý nghĩa và cảm động nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, xem ở https://vnuf2.edu.vn/vi/tin-tuc/hoat-dong-su-kien/2847-loi-tri-an-thay-co-y-nghia-va-cam-dong-nhan-ngay-nha-giao-viet-nam-20-11.html (truy cập 20/11/2023)
[2] Trường Trung cấp Đại Việt TP Cần Thơ, Thầy cô - Người lái đò thầm lặng..., xem ở https://daivietcantho.edu.vn/dao-tao/bai-viet/thay-co-nguoi-lai-do-tham-lang-1415.html (truy cập 20/11/2023)
[3] Báo Công an Nhân dân online, Đừng gọi nhà giáo là “người lái đò” có được không?, xem ở https://cand.com.vn/So-tay/Dung-goi-nha-giao-la-nguoi-lai-do-co-duoc-khong-i544073 (truy cập 20/11/2023)
Copyright © 2018 TRAN Hoang-Quan (Quân) - All Rights Reserved.